Theo Nghị quyết mới của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Ngày 21/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58 về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến 2025.
Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, Chính phủ cho biết trước mắt sẽ ưu tiên tháo gỡ các rào cản về pháp lý, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận vốn và khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo đó, Bộ Tài chính được giao triển khai tiếp các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và sớm trình Chính phủ điều chỉnh thuế xuất - nhập khẩu với nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Bộ này cũng cần sớm đưa ra thông tư hướng dẫn cơ chế dùng chi thường xuyên từ ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sản xuất thép tại một nhà máy ở An Giang. Ảnh: Phương Đông
Các địa phương lên phương án giảm tiền nước, công bố và kiểm soát giá các loại vật liệu xây dựng. Bộ Xây dựng sẽ tìm cách tháo gỡ khó khăn liên quan đến quản lý chi phí, vật liệu xây dựng.
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu đảm bảo và tự chủ nguồn cung xăng dầu trong nước, tính lại giá bán điện cho "cơ sở lưu trú du lịch" từ giá kinh doanh sang giá bán cho ngành sản xuất. Còn Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng dành vốn cho sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên.
Về pháp lý, các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa hoặc đang triển khai sẽ được tháo gỡ vướng mắc nhằm khơi thông nguồn lực. Những dự án bất động sản đủ điều kiện triển khai sẽ được xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng để sớm đưa sản phẩm ra thị trường.
Chính phủ cũng đặt ưu tiên giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuế, hải quan.
Với những khó khăn trong phòng cháy chữa cháy mà nhiều doanh nghiệp "kêu cứu" gần đây, Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Công an rà soát, đơn giản hoá thủ tục, tìm cách giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Việc thanh tra doanh nghiệp cũng sẽ được giảm tối đa, trong đó giảm triệt để chống chéo thanh tra thuế, bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu cơ chế hình thành lực lượng doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm.
Theo mục tiêu được Chính phủ đưa ra cuối tháng 3, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, 8.000-10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khu vực này sẽ đóng góp 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% việc làm và 99% kim ngạch xuất khẩu.